"
Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Botswana vào ngày 11.11 và được Nam Phi báo cho WHO vào ngày 24.11. WHO cho hay số ca mắc Omicron dường như gia tăng ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi và biến thể này cũng đã được phát hiện ở Israel, Hồng Kông và Bỉ.
WHO cho hay phải mất nhiều tuần mới hoàn tất các nghiên cứu về Omicron để xem liệu có bất kỳ sự thay đổi nào trong việc lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và tác động tới vắc xin Covid-19, xét nghiệm và điều trị hay không. Tuy nhiên, WHO cảnh báo: “Biến thể này có số lượng đột biến lớn, trong đó có vài đột biến đang gây quan ngại… Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này gia tăng so với các biến thể đáng lo ngại khác”.
Cũng trong ngày 26.11, TS Anthony Fauci, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Mỹ, cho rằng một số đột biến ở Omicron “đang gây quan ngại, đặc biệt khi liên quan đến khía cạnh gia tăng nguy cơ lây nhiễm và có thể tránh được phản ứng của hệ miễn dịch”, theo CNN. Omicron có tới hơn 30 đột biến, trở thành biến thể có số lượng đột biến cao nhất từ trước đến nay ở protein gai. Cơ quan An ninh y tế Anh cảnh báo Omicron có protein gai không giống như protein gai trong vi rút gây Covid-19 lúc đầu mà các vắc xin dựa vào đó, gây ra nỗi lo về hiệu quả bảo vệ của những vắc xin hiện nay trước biến thể mới.
Trước quan ngại như trên, Công ty Moderna ngày 26.11 tuyên bố sẽ phát triển một loại liều tiêm tăng cường có tác dụng bảo vệ trước biến thể Omicron, theo Reuters. Công ty BioNTech thì cho hay hy vọng sẽ có thêm dữ liệu trong vòng hai tuần để giúp xác định liệu loại vắc xin Covid-19 được sản xuất cùng đối tác Pfizer có cần được điều chỉnh hay không. Tương tự, AstraZeneca thông báo đang kiểm tra tác động của Omicron đối với vắc xin và hỗn hợp kháng thể của công ty này.
Tác giả bài viết: Văn Khoa - Báo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc